Chợ Điện thoại Quảng Châu,Thâm Quyến Trung Quốc

Được ví như chợ Nguyễn Kiệm của Sài Gòn hay chợ online Chợ tốt của Việt Nam,chợ Thâm Quyến cũng là khu chợ giá cực rẻ,cực mềm cho các tín độ của điện thoại,tín đồ công nghệ.

Tham quan chợ trời 
8 giờ sáng hôm sau, trong lúc chúng tôi còn đang say ngủ sau một ngày rã rời đôi chân dạo quanh các khu chợ ở đây. Anh bạn đi cùng chúng tôi tỏ ra sốt ruột vì vẫn chưa mua được những phụ kiện cần thiết cho lô hàng của mình trước khi chúng tôi về Quảng Châu trong ngày. Bởi cũng như ở Quảng Châu, các khu chợ điện thoại ở đây chỉ bắt đầu hoạt động từ khoảng mười giờ sáng và kết thúc giao dịch lúc bảy giờ tối.
Hơn 30 phút lang thang khắp các con đường ở gần khách sạn, anh bạn đi cùng hí hửng chạy nhanh về phòng lôi chúng tôi dậy với vẻ mặt bí hiểm rồi nói: “Mới mua một cái điện thoại với giá chỉ mười tệ, hoá ra ở Thâm Quyến cũng có một khu chợ trời y chang khu Nguyễn Kiệm ở Thành phố Hồ Chí Minh”.
Nghe tới hai từ “chợ trời”, chúng tôi nhanh chóng rửa mặt rồi chạy theo anh bạn rời khách sạn đến một con đường nhỏ gần đó, bên cạnh khu chợ điện thoại “ngầm” mà chúng tôi đã ghé thăm ngày hôm trước. Khi chúng tôi đến, đập vào mắt chúng tôi là khoảng năm “cửa hàng” điện thoại nằm san sát nhau trên vỉa hè với sản phẩm là hàng trăm chiếc điện thoại cũ được sắp ngay ngắn ngay trên… nền đất. Những chiếc điện thoại có vẻ mới hơn thì được những người bán “ưu ái” lót phía dưới một tờ báo hoặc một chiếc bao ni-lông, có lẽ để tăng phần hấp dẫn với khách mua hàng.

hang-dien-thoai-quang-chau
Điện thoại Quảng Châu

Bên dãy vỉa hè phía đối diện, ngay khi một người đàn ông xách theo một chiếc bao lớn đặt lên vỉa hè, hàng chục thanh niên trẻ nhanh chóng bu quanh người đàn ông này để tìm những chiếc điện thoại còn có thể “cứu sống” được trước khi bị người khác mua mất. Không chắc được những người mua ở đây thuộc nhóm khách hàng nào, nhưng nếu nhìn vào sự thuần thục trong từng động tác kiểm tra điện thoại của những người này, có thể tạm nói đây là những thợ sửa chữa điện thoại đến đây tìm hàng về bán hoặc thay linh kiện.
Khác với chợ trời Nguyễn Kiệm ở Sài Gòn, khu chợ trời này chủ yếu chỉ bán điện thoại chứ không cung cấp những phụ kiện như: sạc, pin, vỏ,… Nhìn vào những sạp hàng điện thoại ở đây, có thể dễ dàng nhận ra cách phân chia hàng hoá của những người bán để người mua dễ chọn lựa. Những chiếc điện thoại “chết” hoặc bị một số bệnh “nan y” như: chết nguồn, vỡ màn hình, cong mạch,… được phân loại sang một bên dành cho thợ sửa chữa. Những chiếc điện thoại vẫn còn “sống” được để bên cạnh với ký hiệu là chữ OK do người bán viết bằng bút lông lên mặt màn hình. Gọi là “sống” nhưng thực chất theo quan sát của chúng tôi, đây là những chiếc điện thoại vẫn còn có thể khởi động được, còn chuyện các chức năng, bàn phím, màn hình còn sử dụng được lâu hay không thì người mua… tự biết.

Ở đây, dường như cả người bán lẫn người mua đều thủ sẵn cho mình một công cụ kiểm tra điện thoại tự chế để dễ giao dịch. Người mua chỉ cần chọn một chiếc ưng ý có hình thức tương đối, dùng công cụ này kẹp vào hai chân tiếp xúc pin để kiểm tra tình trạng máy rồi… trả giá tùy theo tình trạng. Giá mua lẻ từng con chỉ khoảng từ năm tệ đến vài chục tệ.
Muốn mua số lượng cũng không phải quá khó, ở đây có những người bán điện thoại đem hàng ra chợ bán nhưng lại không trải sạp hàng như những người khác. Họ phân loại những chiếc điện thoại giống nhau thành một lô khoảng năm chiếc, được cột bằng một sợi dây thun. Người mua chỉ việc xem tình trạng mới cũ rồi đếm số lượng mà trả tiền.

Nhìn tổng quan khu chợ này, tôi đưa mắt sang anh bạn nói nhỏ: “Tính về số lượng điện thoại thì còn có thể hơn khu chợ trời Lý Nam Đế hay Nguyễn Kiệm ở Sài Gòn, chứ nếu tính về quy mô thì chợ trời ở đây thua xa lượng người bán ở Nguyễn Kiệm”.
Nghe vậy, anh bạn đi cùng không trả lời mà kéo chúng tôi đến con đường nhỏ nằm song song với khu chợ vừa rồi. Chứng kiến cảnh tượng trước mắt, một anh bạn trong nhóm chúng tôi há hốc mồm ngạc nhiên thốt lên: “Đây mới gọi là chợ trời ở Thâm Quyến”.

Điện thoại tính bằng…kg
Cũng như khu chợ trời chúng tôi vừa ghé thăm, ở đây người bán và người mua cũng chủ yếu giao dịch theo kiểu “chồm hổm” ngay trên vỉa hè. Tuy nhiên, nếu tính về số lượng sạp hàng thì khu chợ trời này có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần. Người bán, người mua tấp nập nhưng thể một khu chợ thực phẩm sớm ở Việt Nam với đủ đàn ông lẫn đàn bà, tiếng la hét, tiếng cãi cọ xen lẫn vào nhau một cách hỗn tạp.

Thấy hai người đàn ông đang giao dịch điện thoại theo cách khá… lạ đời. Chúng tôi tiến tới gần quan sát mới hiểu đây là cách mua bán điện thoại nhanh chóng nhất mà có lần chúng tôi đã được nghe một “lái” điện thoại ở Việt Nam kể lại – điện thoại bán theo… kg.

Khi giao dịch, cả người bán lẫn người mua đều thủ sẵn trong người một chiếc cân điện tử nhỏ, rồi cứ thế chọn những túi điện thoại mà người bán để sẵn treo lên cân ký. Giá cả thì chủ yếu được người bán phán theo cảm tính, hễ thấy có lời là bán, không quan tâm đến việc có bao nhiêu chiếc điện thoại trong túi còn “sống” hay đã “chết”. Tương tự, người mua chỉ cần… ngó thấy được là giao dịch, hên “sống” được vài con có giá trị thì lãi to, xui thì để làm linh kiện hoặc bán “xác” cho những thợ sửa chữa điện thoại ở đây.

Cửa hàng là… xe hơi
Dọc theo con đường khoảng hơn trăm mét của khu chợ là những chiếc xe hơi nhỏ đậu kín trên vỉa hè. Ban đầu, chúng tôi tưởng đây là xe của những người bán điện thoại trong những khu chợ gần đó đem hàng đến chuẩn bị cho một ngày kinh doanh mới. Thế nhưng khi quan sát kỹ, chúng tôi không khỏi khựng người ngỡ ngàng vì bên trong những chiếc xe này, ngoại trừ hai chiếc ghế phía trên dành cho tài xế và người đi cùng, toàn bộ những chiếc ghế phía sau đều được tháo ra để tạo không gian trưng bày những chiếc điện thoại theo ý nghĩa đúng của từ “cửa hàng di động”.

Sau khi tìm một góc đẹp để đậu xe, người bán sẽ mở cánh cửa phía sau xe để khách mua hàng có thể tiện quan sát. Có thể đây là nguồn cung cấp hàng cho những sạp hàng nhỏ ở đây, bởi trong chốc lát lại có người đến mua rồi bước ra với một túi nhỏ đựng vài chục chiếc điện thoại. Giao dịch xong, người mua lại tiếp tục tìm một góc nhỏ trên vỉa hè rồi trải điện thoại ra bán cho khách vãng lai, thản nhiên như thể đây là một công việc chính vào mỗi buổi sớm.
Cũng như ở Việt Nam, các sạp hàng vỉa hè ở đây cũng liên tục bị những dân phòng nhắc nhở phải dọn hàng để tránh ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, người nhắc cứ nhắc, còn người mua nghe nhắc xong cũng… cứ bán. Âu đó cũng là nét chung mà chúng tôi nhận ra rõ nét nhất ở những khu chợ trời ở Thâm Quyến lẫn Việt Nam…

dathangquangchau.com